Đề án 1816: Cả người dân và y tế cơ sở được hưởng lợi

Nhờ thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm được kinh phí đi lại, vừa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuận lợi cho người nhà thay nhau chăm sóc, bệnh nhân tin tưởng và rất yên tâm điều trị.

Thực hiện Đề án 1816, của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành Y tế Lai Châu đã đón nhận trên 100 bác sỹ, điều dưỡng của 18 bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế Hà Nội.   Điều đặc biệt của Đề án 1816 là bác sỹ tuyến trên luân phiên hỗ trợ tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn ngay tại chỗ, cùng ăn ở, cùng các y, bác sỹ tuyến dưới khám và điều trị cho bệnh nhân. Chính điều này đã làm chuyển biến nhanh về chuyên môn của các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Song với tinh thần say mê học hỏi, các thầy thuốc tại bệnh viện tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo được điều trị thành công, không phải chuyển lên tuyến trên, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, vừa giảm chi phí cho người bệnh.  

Bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi u nang buồng trứng cho y, bác sỹ Khoa sản – Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sỹ chuyên khoa I Bùi Tiến Thanh - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Đề án 1816 là biện pháp hiệu quả nhất và nhanh nhất giúp tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn. Thay vì phải mất nhiều thời gian để lên tuyến trên học hỏi, bác sỹ tuyến dưới vẫn làm việc tại chỗ bên cạnh sự dẫn dắt tận tình của tuyến trên. Và bằng chứng là bệnh nhân phải chuyển viện tại BVĐK tỉnh đã giảm từ 15 - 20% so với trước. Do đó, đã tạo được niềm tin với người dân khi đến khám chữa bệnh”.

Từ tháng 9/2008 đến nay, ngành Y tế đã được các bác sỹ của tuyến Trung ương và Sở Y tế Hà Nội củng cố và chuyển giao các kỹ thuật như: xác định độ bất hoạt của vi rút với các loại viêm gan mãn tính, HIV trên dàn Elida; kỹ thuật chụp, đọc phim CT.Scanner, X- quang, rửa phim bằng phương pháp tự động hóa…

Nhiều kỹ thuật mới cũng được tuyến Trung ương chuyển giao như lĩnh vực ngoại khoa: phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp longor, phẫu thuật nội soi u xơ tuyến tiền liệt, phẫu thuật thần kinh, sọ não, hướng dẫn lượng giá và phục hồi chức năng thay chỏm xương đùi… Lĩnh vực sản khoa: phẫu thuật nội soi chữa ngoài tử cung, cắt tử cung qua đường âm đạo. Chuyên khoa mắt: phẫu thuật đục thủy tinh thể theo phương pháp Pha co, phẫu thuật thẩm mỹ mý mắt. Chuyên khoa tai, mũi, họng: soi gắp thực quản dị vật gây mê; phẫu thuật chấn thương hàm mặt…

Không chỉ được học hỏi về chuyên môn các y, bác sỹ BVĐK tỉnh còn tiếp thu được tác phong làm việc vì bệnh nhân của bác sỹ tuyến trên, không kể giờ giấc nếu còn bệnh nhân thì vẫn tiếp tục làm việc không để bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu hoặc chuyển viện, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để hướng dẫn tận tình cho nhân viên y tế tuyến dưới.

9 tháng năm 2010, BVĐK tỉnh đã phẫu thuật các loại cho 1.028bệnh nhân. Nếu không có bác sỹ tuyến Trung ương về thì số bệnh nhân này phải chuyển tuyến trên, trong khi bệnh nhân đến viện đa số là người nghèo. Có đề án, bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm được kinh phí đi lại, vừa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuận lợi cho người nhà thay nhau chăm sóc, bệnh nhân tin tưởng và rất yên tâm điều trị.

Bệnh nhân Lò Văn Táo, 71 tuổi ở huyện Than Uyên, bị dị vật thực quản, được các y bác sỹ tiến hành thủ thuật gắp dị vật dài 2,5cm, hiện sức khỏe đã bình phục, ông xúc động: “Nhờ có bác sỹ nên tôi không phải chuyển về bệnh viện Trung ương. Chiều nay được ra viện rồi, tôi cảm ơn bác sỹ ở BVĐK tỉnh nhiều lắm”.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các bệnh viện tuyến Trung ương, với tinh thần trách nhiệm cao, các y, bác sỹ BVĐK tỉnh đã học hỏi được phong cách làm việc tận tuỵ, chu đáo của bác sỹ Trung ương và nắm được những kiến thức, kỹ thuật cơ bản để có thể triển khai độc lập một số phẫu thuật cấp cứu tại địa phương. Bên cạnh đó, thời gian qua BVĐK tỉnh cũng đã thành lập các đoàn khảo sát, đánh giá về cơ sở, vật chất trang thiết bị, nguồn nhân lực, đồng thời cử bác sỹ xuống cơ sở hỗ trợ về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, sản khoa, ngoại khoa, nhi khoa… để giúp đỡ tuyến dưới giải quyết cấp cứu ban đầu, hạn chế tối đa những tai biến nặng đối với người bệnh.

Theo Báo Lai Châu