Lễ phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên”

Sáng ngày 17/7/2015, Tổ chức Y tế thế giới đã phối hợp với Bộ Y tế và bệnh viện Phụ sản trung ương tổ chức buổi lễ phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” trong khuôn khổ của dự án “Chăm sóc sản khoa thiết yếu trong và ngay sau đẻ”.

Đến dự buổi lễ phát động có ông Howard Sobel, Điều phối viên về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và vị thành niên; bà Hoàng Thị Bằng, cán bộ phụ trách mảng sức khỏe bà mẹ và trẻ em của WHO tại Việt Nam; bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ SKBM-TE Bộ Y tế; ông Lê Thiện Thái, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản trung ương cùng đông đảo cán bộ bệnh viện, người bệnh đang khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Trước đó, ngày 14/7/2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch "Cái ôm đầu tiên" tại Việt Nam, với các bước đơn giản có thể cứu sống hàng nghìn em bé sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca biến chứng mỗi năm do các thực hành có hại hoặc lỗi thời trong chăm sóc trẻ mới chào đời. Gói hành động và can thiệp này đề cập đến các nguyên nhân cơ bản nhất của tử vong hoặc bệnh tật ở trẻ sơ sinh như đẻ non (sinh non), sơ sinh nhẹ cân hoặc nhiễm trùng nặng như viêm phổi hoặc tiêu chảy.

Ông Lê Thiện Thái đã thay mặt Lãnh đạo bệnh viện phát biểu khai mạc và phát động chiến dịch. Trong bài phát biểu, ông Lê Thiện Thái đã nói “Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận Việt Nam có những bước tiến lớn trong giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, ước tính mỗi năm vẫn có 17500 trẻ sơ sinh tử vong trong giai đoạn đầu đời. Chăm sóc sơ sinh thiết yếu được khuyến cáo gồm hàng loạt các biện pháp đơn giản, chi phí thấp, không đòi hỏi phương tiện hiện đại và có thể thực hiện được ở mọi cấp độ trong lĩnh vực sản khoa”.

Cái ôm đầu tiên hay duy trì sự tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé ngay sau sinh là phương pháp đơn giản giúp ủ ấm trẻ và trẻ được tiếp xúc với hệ vi khuẩn chí có lợi của người mẹ, có lợi cho trẻ sau này có thể phòng chống một số bệnh.

Ông Howard Sobel, đại diện của WHO đã chia sẻ kinh nghiệm của chính mình khi sinh con đầu lòng mà không được áp dụng Cái ôm đầu tiên. Con trai của ông được sinh ra ngay tại bệnh viện nơi ông làm việc, mặc dù ông có mặt trong phòng đẻ nhưng ông đã không biết rằng những việc ông làm không có lợi cho con trai mình. Việc làm đúng đắn nhất mà ông làm đó là cho con trai uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi. Có lẽ nhờ đó mà con trai ông đã tốt nghiệp trường trung học với số điểm cao nhất trường và là chủ tịch hội học sinh của trường. Thông qua chiến dịch "Cái ôm đầu tiên", WHO khuyến khích thay đổi các thực hành hiện thời, tuyên truyền cho các gia đình và cá nhân biết để họ đòi hỏi nhân viên y tế cung cấp các thực hành tốt nhất.

Bà Lưu Thị Hồng nhấn mạnh Việt Nam đã có nhiều đổi mới để giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong sơ sinh. Việt Nam là một điểm cần được quan tâm và đẩy mạnh chiến dịch. Các sản phụ đều cảm thấy quên hết mọi đau đớn trong quá trình chuyển dạ khi được ôm con vào lòng ngay sau sinh. Với những thành quả đã đạt được, Bộ Y tế mong muốn bệnh viện phát huy vai trò của mình là bệnh viện đầu ngành để triển khai các hoạt động có chất lượng và lợi ích cho cộng đồng.

Theo bà Hoàng Thị Bằng, cán bộ phụ trách mảng sức khỏe bà mẹ và trẻ em của WHO tại Việt Nam, nhiều nhân viên y tế có thể chưa biết những thực hành đơn giản này có thể bảo vệ trẻ sơ sinh. Thêm vào đó, phong tục tập quán và niềm tin ở một số cộng đồng, kể cả nhân viên y tế có thể không hỗ trợ thực hiện đầy đủ chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu. 

Lễ phát động đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân đặc biệt là những người đã, đang và sắp làm mẹ. Các bà mẹ đã chia sẻ cảm xúc của mình về Cái ôm đầu tiên, đó là cảm giác ấm áp, hạnh phúc khi được ôm con, giúp quên hết những mệt mỏi trong thời gian mang thai cũng như những đau đớn phải trải qua trong quá trình chuyển dạ. Những người sắp làm mẹ đều đồng tình với chiến dịch Cái ôm đầu tiên và háo hức chờ đợi thời khắc được ôm con vào lòng.

Bài viết: Thu Hiền

Ảnh: Thanh Hiếu